⇒ Biếng ăn là một dạng rối loạn ăn uống rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là độ tuổi từ 1 - 6 tuổi. Việc trẻ biếng ăn có thể do rất nhiều nguyên nhân, có thể là sở thích của trẻ với mỗi món ăn, do tâm lý hoặc thói quen không tốt. Xác định được chính xác nguyên nhân thì cha mẹ có thể dễ dàng khắc phục và giúp trẻ ăn nhiều hơn, đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ.
1.Biểu hiện của trẻ biếng ăn.
- Trẻ từ chối không chịu ăn, chạy trốn hoặc khóc lóc, gào thét khi thấy thức ăn.
- Trẻ không ăn một số hoặc tất cả các loại thực phẩm. Chúng ngậm thức ăn trong miệng rất lâu, không chịu nhai hoặc nuốt.
- Ăn ít hơn bình thường, thời gian mỗi bữa ăn thường dài hơn 30 phút.
- Buồn nôn khi mẹ đút ăn.
- Khoảng 3 tháng liền trẻ không tăng cân.
2. Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
► Bữa phụ ăn quá no khiến bé không muốn ăn bữa chính.
Khi bé ăn vặt vào bữa xế quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng no căng bụng trong bữa chính và trẻ sẽ bỏ bữa. Các món ăn vặt thường tiềm tàng nhiều nguy hại sức khỏe tiềm ẩn, ví dụ như món ăn vặt phổ biến mà bé thích là bánh kẹo, snack, khoai tây chiên...
►Trẻ không tập trung.
Một số gia đình bật tivi hoặc chơi đồ chơi trong khi ăn để trẻ vui vẻ. Cũng có những bà mẹ dẫn con đi khắp nơi với chén cơm trên tay. Điều này là không tốt vì khiến trẻ không tập trung vào món ăn hoặc quên cảm giác ngon miệng, lâu dần dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.
►Món ăn không hợp khẩu vị của bé.
Món bạn thích không hẳn là món bé muốn ăn. Dù biết rằng bạn sẽ lên thực đơn dinh dưỡng chuẩn khoa học để bé con ăn đầy đủ chất bổ dưỡng nhưng bé sẽ không đủ khả năng để nhận thức điều đó. Khi không hợp khẩu vị, bé sẽ không ăn, và bạn thì lại thúc ép bé ăn, vô tình việc đó sẽ khiến bé bị áp lực trong mỗi bữa ăn dẫn đến trẻ biếng ăn còi cọc và sợ hãi việc ăn uống.
►Không khí căng thẳng trong bữa ăn.
Một số ba mẹ thiếu kiên nhẫn khi cho con ăn nên đôi khi la mắng con. Điều này có thể khiến trẻ giật mình và lo sợ. Trái ngược với người lớn, cảm giác đói ở trẻ nhỏ thường không rõ ràng. Vì vậy, bạn không nên ép trẻ ăn trừ khi trẻ thực sự đói. Ngoài ra, bạn không nên để trẻ ăn một mình mà nên cho trẻ ăn cùng gia đình. Điều này giúp trẻ ăn ngon miệng và không cảm thấy cô độc khi ăn.
►Thực đơn món ăn nhàm chán.
Khi thực đơn các món ăn lặp lại một cách nhàm chán thì khẩu vị của bé từ ăn ngon cũng chuyển sang ngán ngẩm. Đây là một trong những lý do thường gặp khiến cho trẻ biếng ăn.
►Vấn đề sức khỏe.
Cũng giống như người lớn nếu cơ thể không khỏe mạnh thì những đứa trẻ cũng sẽ biếng ăn. Khi trẻ mọc răng khiến trẻ khó nhai thức ăn. Trẻ bị khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón cũng sẽ dẫn đến biếng ăn.
►Trẻ quá hiếu động.
Vì bé quá ham chơi dẫn đến bỏ ăn là nguyên nhân thường thấy nhất ở những đứa trẻ biếng ăn. Sự mất tập trung trong ăn uống bởi những tác động xung quanh dần sẽ thành thói quen gây ra tình trạng lười ăn uống ở trẻ.
►Vấn đề tâm lý.
Việc ba mẹ thấy con biếng ăn nên cố ép con ăn khiến trẻ sợ ăn, dẫn đến biếng ăn. Các vấn đề về sức khỏe tâm lý có thể dẫn đến rối loạn ăn uống. Điều này khiến trẻ mất cảm giác ngon miệng với các loại thực phẩm.
3. Cách khắc phục chứng biến ăn ở trẻ.
♦ Thay đổi thức ăn cho trẻ hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau. Hãy tôn trọng sở thích của bé bằng cách cho trẻ ăn món trẻ thích.
♦ Trang trí, chuẩn bị món ăn thật đẹp đẽ, hấp dẫn. Ví dụ như bát và thìa cho trẻ ăn có nhiều hình thù khác nhau giúp trẻ hứng thú khi ăn.
♦ Không nên cho trẻ ăn quà vặt như bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
♦ Không cho bé dùng điện thoại, đồ chơi, đọc sách, đọc truyện tranh, xem tivi hay dùng các thiết bị công nghệ khác trong khi ăn.
♦ Khi cho bé ăn, bố mẹ tuyệt đối không nên ép, khiến bé bị căng thẳng và hình thành cảm giác sợ ăn. Thay vào đó mỗi bữa ăn, bố mẹ chỉ nên cho trẻ ăn từng phần nhỏ.
♦ Đối với những bé năng động, rất khó để bé ngồi im trong suốt bữa ăn. Theo đó, dù bé có ăn ít đi chăng nữa nhưng bố mẹ cũng chỉ nên cho bữa ăn kéo dài trong 30 phút.