Một số căn bệnh được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” bởi người bệnh sẽ không có những biểu hiện bệnh rõ ràng ở giai đoạn đầu. Những bệnh này có thể trở nên nghiêm trọng tại bất kỳ thời điểm nào, thậm chí dẫn đến đột tử.
Sau đây là một số tình trạng sức khỏe có thể giết chết bạn một cách âm thầm:
1. Huyết áp cao
Huyết áp cao là một trong những tình trạng sức khỏe nguy hiểm có thể dẫn đến các bệnh mạn tính khác. Bệnh huyết áp cao thường không phát sinh một triệu chứng cụ thể nào. Chỉ sau khi khởi phát các bệnh liên quan thì người bệnh mới nhận ra mức độ nghiêm trọng.
Mặc dù rất khó phát hiện, nhưng tiến hành kiểm tra huyết áp thường xuyên, ăn thực phẩm giàu kali, chất xơ, protein và ít muối và duy trì cân nặng hợp lý là các cách để giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, bạn nên tránh hút thuốc, uống rượu và nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất.
2. Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành là tình trạng các động mạch vành cung cấp máu và oxy cho tim bị nghẽn, dẫn đến đau ngực (đau thắt ngực) hoặc nhồi máu cơ tim. Đây là những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện.
Nếu không được tầm soát thích hợp và có lối sống lành mạnh cho tim thì việc ngăn ngừa bệnh động mạch vành là điều không thể. Ngay cả khi một người mắc bệnh được điều trị kịp thời, họ có thể bị suy tim và rối loạn nhịp tim. Do đó, bạn nên kiểm soát huyết áp cao hoặc cholesterol cao bằng cách kiểm tra sức khỏe thường xuyên, thực hiện các thay đổi lối sống cần thiết như ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn, tránh hút thuốc, uống rượu và các hoạt động không lành mạnh khác.
3. Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng mới dẫn đến tình trạng mệt mỏi, sút cân, đi tiểu nhiều và khát nước.
Trong khi nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường vẫn chưa được xác định, tập trung vào chế độ ăn uống thích hợp, tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý và tầm soát thường xuyên là những biện pháp có thể ngăn ngừa các biến chứng.
4. Loãng xương
Loãng xương là một bệnh về xương mà người bị bệnh thường không biết về tình trạng bệnh của mình, vì nó không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi họ bị gãy xương và được chẩn đoán. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến mật độ của xương, loãng xương cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Ăn thực phẩm giàu canxi và vitamin D là điều cần thiết để ngăn ngừa bất kỳ dạng bệnh về xương nào. Bạn nên tập các bài thể dục bao gồm đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, tập tạ,… và cũng nên kiểm tra sức khỏe xương thường xuyên.
5. Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, có thể dẫn đến ngáy to, cực kỳ mệt mỏi trong ngày,... Những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng thường dễ bị đột tử và đột quỵ hơn trong khi ngủ. Đây là lý do tại sao chứng bệnh này trở thành kẻ giết người thầm lặng.
Đối với các trường hợp ngưng thở khi ngủ nhẹ, một số thay đổi lối sống như giảm cân, ăn uống điều độ, bỏ thuốc lá và thực hiện các phương pháp điều trị dị ứng mũi phù hợp có thể giúp bạn thoát khỏi hoặc thậm chí kiểm soát tốt tình trạng này. Tuy nhiên, hãy đi thăm khám để biết trường hợp ngưng thở khi ngủ của bạn ở mức độ nhẹ hay nặng để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị cho phù hợp.
6. Bệnh gan nhiễm mỡ
Sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ trong cơ thể diễn ra từ từ và ban đầu không có dấu hiệu đáng kể. Ở giai đoạn nặng, bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan, giai đoạn cuối của gan bị xơ hóa.
Đối với bệnh gan nhiễm mỡ thì chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật và tránh ăn thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Hãy đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên và làm theo khuyến nghị của bác sĩ.